VH- Tôi mượn lời bài hát Việt Nam này để làm lời đề
dẫn cho một bài viết đầy xúc động về Tết của anh bạn người Mĩ đang theo học tiếng
Việt hệ cử nhân khoa Tiếng Việt, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tâm hồn quê hương ở đây không hẳn là với ý nghĩa
tìm thấy bóng dáng quê hương nơi đất khách mà nó còn có ý nghĩa là tìm thấy sự
nồng ấm, chan chứa tình yêu thương của một người xa xứ như chính trên quê hương
mình. Zachary Herman đã lấy vợ người Việt Nam, sống chan hòa giữa những người
thân Việt Nam và dự định sẽ định cư lâu dài tại Việt Nam theo tiếng gọi của
trái tim theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tết với anh giờ đây đã trở nên thân
thuộc và đầy háo hức như thể anh đã là người Việt Nam vậy.
“Tôi đã cảm nhận cái Tết Việt Nam đầu tiên của tôi
không phải ở Việt Nam mà là ở California hai năm trước đây với vợ tôi và cha mẹ
cô ấy khi họ bay từ Việt Nam sang thăm chúng tôi. Đây là sự trải nghiệm đầu
tiên của tôi về Tết Việt Nam, đầy hứng khởi và háo hức. Lần đầu tiên, tôi được
“chạm” vào Tết, đó là khi tôi cầm chiếc bánh chưng trên tay. Lúc đó, tôi không
có khái niệm gì về nó và phải làm gì với nó. Gia đình Việt Nam của tôi đã rất
nhiệt tình chỉ bảo cho tôi làm thế nào để bóc lớp lá chuối ra và họ bật cười
khi tôi lóng ngóng với con dao mắc kẹt trong chiếc bánh, và những ngón tay của
tôi bị dính. Thực sự tôi như đang “đánh vật” với nó, nhưng cũng hết sức thú vị.
Với niềm tự hào về đặc sản quê hương, gia đình tôi đã chỉ cho tôi làm thế nào để
có thể cắt chiếc bánh to ra thành từng lát bằng những sợi lạt tuy mỏng manh nhưng
đầy sức mạnh. Căn nhà bếp ấm cúng tràn đầy mùi thơm của gạo nếp chín, vị béo ngậy
của thịt lợn, vị bùi bùi của đỗ xanh. Tất cả vị thơm ngon đó như chất xúc tác
khiến cho câu chuyện của chúng tôi trở nên rôm rả hơn” - Jachary Herman tâm sự
- “Tôi đã may mắn khi được hưởng thụ cái Tết thứ hai, một cái Tết thực sự Việt
Nam tại Hà Nội vào năm ngoái, năm con Hổ. Chúng tôi đã quyết định định cư ở Việt
Nam lâu dài sau 5 năm vợ tôi xa gia đình để đi học tại Mĩ. Lúc đó, tôi cảm thấy
rất vui và phấn khích, nhưng không kém phần lo âu như bước vào một cuộc phiêu lưu
bởi tôi không biết rằng cuộc sống của tôi tại Việt Nam sẽ như thế nào. Tôi đã bị
“chinh phục” bởi Tết Việt. Tôi nhìn thấy hoa và quả, cây cảnh... tràn ngập trên
đường phố, trên những chiếc xe máy chở hàng hóa của người nông dân, họ như “chở”
cả mùa xuân đến cho thành phố. Nhiều nhà đã bắt đầu trang trí bởi những cây
mai, đào, quất rực rỡ. Tôi đã ăn bánh chưng 3 bữa một ngày, say sưa với chén
trà xanh nồng đượm, thưởng thức các món mứt dừa, hạt sen...
Tôi đã học được cách cắn hạt dưa ở giữa răng sao
cho không bị vỡ vụn và đã có thể tập ăn được những quả quất chua. Tôi cảm động
và trân trọng giây phút cả nhà mặc những bộ quần áo đẹp đẽ nhất để chụp ảnh
trong ngôi nhà đã được trang hoàng lộng lẫy. Tôi còn nhớ, chúng tôi đã đi chơi
cùng nhau ra phố, cất những tiếng cười giòn tan và hạnh phúc cùng cô cháu gái 2
tuổi chạy ton lon với quả bóng bay buộc ở cổ tay.
Sống ở Hà Nội và được hòa mình vào không khí Tết với
những nghi thức, nghi lễ của lễ hội đã mang lại cho tôi một trải nghiệm hoàn
toàn thú vị, khác hẳn với cái gọi là Tết đầu tiên của tôi ở California. Giờ đây,
hồi tưởng lại, tôi mới hiểu tại sao gương mặt vợ tôi lại trở nên rạng ngời và đầy
phấn khích khi nhìn thấy những món quà mà người thân mang sang Mĩ cho cô ấy vào
2 năm trước. Tết Việt có ý nghĩa hơn là sự lặp lại của một chu kì lịch hay là một
sự kiện xảy ra ở một nơi nào đó trên Trái đất. Tết Việt là cảm giác về gia đình,
về sự sum họp, của những điều ước
về một năm mới tốt lành hơn.
-Lê Việt Liên
Bỗng thấy tâm hồn quê hương ở đó baovanhoa.vn
No comments:
Post a Comment